Viết là một kỹ năng tuy không cần phải giỏi xuất sắc như nhà văn, nhưng bạn cần phải ở mức tạm chấp nhận để nâng cao cơ hội nghề nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra 7 gợi ý giúp bạn cải thiện tối đa kỹ năng viết của bản thân.
1. Nhờ người khác đọc và xin nhận xét chân thành của họ
Cách khách quan nhất để đánh giá rằng trình độ bạn viết ở mức nào, cần cải thiện ra sao thì chỉ đơn giản đưa cho đồng nghiệp, bạn bè xem xét. Thông qua nhiều người, thì bạn sẽ đón nhận được “đa chiều” cái nhìn khách quan. Bởi nhiều dẫn điểm, dẫn chứng hơi “mờ mịt” hoặc khó hiểu với người khác, thì bạn biết là mình cần phải làm rõ thêm nội dung hoặc mở rộng vấn đề ra.
Với thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những cộng đồng có chung sở thích viết lách. Tại đó bạn có thể post những gì bạn viết lên mỗi ngày, hoặc khi có bài viết cần sự nhận xét. Mọi người sẽ giúp bạn đọc, đóng góp ý kiến để hoàn thiện bài viết tốt hơn.
Bởi vì thực tế dù bạn chăm chút bài viết hàng tiếng thậm chí vài ngày, nhưng vẫn sẽ có lỗi nào đó không phát hiện được ( có thể do viết lâu nên “quáng gà”). Từ đây, nhận xét từ người khác không những giúp bạn đón nhận các luồng ý kiến “nhìn nhận” xác đáng, mà còn giúp hoàn thiện các lỗi sơ đẳng như chính tả.
2. Chăm chỉ tập viết và đừng đặt quá nặng về lý thuyết
Vẫn là tính từ của sự thành công, đó chính là chăm chỉ. Đơn giản là bạn chỉ cần viết, viết và tập viết thật nhiều. Thực tế, rất nhiều người bạn đồng nghiệp công sở muốn kiếm thêm tiền bằng cách tận dụng thời gian rỗi để viết blog. Và họ thường chia sẻ với nhau như thế nhưng chẳng mấy ai làm được.
Hãy kiên trì mỗi ngày viết ra những điều bạn quan tâm, hay đơn giản chỉ là tập “viết nhật ký” mỗi ngày để tập thói quen viết cho bản thân. Viết gì cũng được, miễn là bạn đừng từ bỏ.
Nói luôn là điều đơn giản, nhưng chẳng mấy người làm được. Bạn chỉ cần ngồi xuống và viết bất cứ khi nào có thể. Bạn đừng lo lắng về ngữ pháp, dấu câu, cấu trúc câu, bao nhiêu đoạn, hoặc câu luận đề như thế có hợp lý. Bạn chỉ cần bắt đầu viết và đừng dừng lại cho đến khi viết xong. Sau đó, bạn dùng thời gian để sửa lại bài viết cũng như đọc lại cách viết và cấu trúc câu. Đừng để những dòng suy nghĩ lăn tăn cản trở bạn, bởi vì viết là lĩnh vực cực kỳ sáng tạo. Cố gắng để cho đầu óc thoải mái và viết nhanh tất cả suy nghĩ vào trang giấy. Sau đó, bạn cứ từ từ chỉnh sửa và sắp xếp lại cho hay hơn là được.
3. Thử sức với những thể loại, phong cách và cấu trúc khác nhau
Giống như âm nhạc vậy, bạn đừng quá bó buộc bản thân chỉ ở một thể loại duy nhất. Vì nếu bạn chỉ thích lối văn phong bay bổng đầy tự sự, thì khi viết báo cáo tài chính cho cơ quan sẽ gặp nhiều trở ngại. Do vậy, bạn cần thử cách hành văn theo nhiều kiểu khác nhau như: nghiêm túc, hài hước, kì bí, hoặc thậm chí pha chút hài hước.
Việc tiếp cận nhiều thể loại cũng là một cách vừa rèn luyện tư duy sáng tạo, vừa giúp bạn nâng cao kỹ năng viết một cách đáng kể. Điều này giúp mở rộng vốn từ vựng của bạn sang nhiều lĩnh vực hơn, từ đó thổi những làn gió mới vào giọng văn của bạn.
Sự đa dạng phong cách sẽ giúp bạn ứng biến trước các tình thế ép buộc phải “viết”. Ngoài ra, hãy thử viết những câu dài với vài câu ngắn chen ngang. Hãy xem trọng cảm xúc ngay lúc bắt đầu đặt bút, và đừng quá gò ép bản thân là “chỉ nên viết như vậy”. Dần dà, bạn có thể tìm được nhiều hướng mới để viết, và mở rộng ra cơ hội phát triển nghề nghiệp.
4. Đọc, đọc, và đọc nhiều nhất có thể
Đọc nhiều chưa chắc viết hay, nhưng người viết hay sẽ đọc đủ nhiều. Bởi quá trình đọc sẽ đem lại cho bản thân nhiều trải nghiệm, và tích lũy các kiến thức hữu ích. Từ đây, bạn sẽ dễ “thêm mắm, thêm muối” khi cần tưởng tượng.
Đừng sợ thử cái mới, vì biết đâu điều đó sẽ truyền cảm hứng cho bạn. Ví dụ như đọc một cuốn sách về luật (chủ đề “khô khan” với bạn) thì sẽ hữu ích nếu cấp trên đề nghị bạn bổ sung một số điều khoản vào hợp đồng mẫu với khách hàng. Thêm một điều chắc chắn rằng bạn càng đọc nhiều bao nhiêu thì bạn sẽ có nhiều cái để nói, và dễ xây dựng mối quan hệ với nhiều anh chị đồng nghiệp hơn.
5. Cố gắng trải nghiệm nhiều nhất có thể
Bạn khó có thể viết về cái gì nếu như bạn chỉ sống trong thế giới riêng suốt được. Ví dụ như các câu hỏi cần đặt ra cho khách hàng để làm bảng khảo sát, thì buộc bạn phải ra ngoài để quan sát và trải nghiệm. Không điều gì chân thật nhất bằng chính bạn tự mình trải nghiệm những gì mà mình viết ra. Có rất nhiều cách để bạn trải nghiệm thêm nhiều điều mới, hãy mở lòng và bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để khám phá những điều thú vị.
Hãy tranh thủ cơ hội trải nghiệm trong các chuyến đi du lịch, và bạn sẽ nhận thấy được nhiều điều mà bản thân “bỏ lỡ” khi chỉ đọc sách. Thậm chí một trải nghiệm lạ lùng có thể biến thành một truyện ngắn hài hước hay một bài blog hay ho để chia sẻ với mọi người. Bạn hãy cởi mở với mọi thứ và nhận thấy sự thay đổi về khả năng viết của bạn.
6. Chú ý quan sát thế giới xung quanh
Hãy cố gắng để ý đến những gì xảy ra xung quanh, dù bạn đang ngồi ở nhà, văn phòng hoặc chỉ đơn giản là đi dạo bộ gần nhà. Nhìn ngắm cảnh vật, quan sát người qua lại sẽ giúp bạn có thêm nhiều ý tưởng để viết. Khi bạn để ý đến những chi tiết thì chúng sẽ khiến câu chuyện của bạn sống động và thu hút người đọc hơn là chỉ “tưởng tượng” hoặc võ đoán thuần túy.
7. Lựa chọn không gian riêng, phù hợp
Tất nhiên, sẽ thật khó để viết tốt được nếu bạn không thể tập trung. Do vậy, bạn hãy tìm một chỗ để viết và biến nó thành không gian dành riêng cho việc viết lách. Tốt nhất là chỉ nên ngồi ở đó để viết, và viết. Tốt nhất là bạn đừng đọc tạp chí hay tán gẫu, và mặc định chỗ đó chỉ dành cho việc viết lách.
Không quá khó khăn để tìm ra không gian tốt nhất. Ví dụ như văn phòng của bạn hơi ồn ào thì hãy đeo tai nghe, hoặc tranh thủ giờ nghỉ trưa để đến một góc nào đó vắng người. Còn nếu bạn có văn phòng riêng thì đóng cửa, hoặc tận dụng thời gian rỗi để đến những nơi “truyền động lực” như thư viên, phòng học cá nhân. Và nếu bạn là người ưa thích sự nhộn nhịp, thì có thể tìm một góc trong quán cà phê hoặc nhà hàng. Sẽ luôn có một chỗ tốt nhất dành cho bạn, và quan trọng là bạn có muốn tìm ra nó và biến nó thành nơi chuyên để viết lách riêng cho bản thân hay không.
Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này sẽ giúp bạn có thêm nguồn động lực mới để đặt bút xuống viết ngay vài dòng nhận xét đóng góp cho bài viết. Đó chính là một cách thực hành tốt nhất để bắt đầu rèn luyện kỹ năng viết của bản thân. Chúc các bạn sẽ viết thật tốt và rút ra cho mình những kinh nghiệm quý báu trong hành trình nâng cao kỹ năng viết.