Bạn luôn cảm thấy bối rối và ngại làm việc khi hợp tác cùng đội nhóm. Hiệu quả công việc giảm xuống vì bạn thiếu kỹ năng làm việc đồng đội. Vậy thì vấn đề đặt ra là làm thế nào để rèn luyện tốt những kỹ năng làm việc với đồng đội và trong công việc nên tránh những điều gì để không làm giảm năng suất, chất lượng công việc của nhóm. Tất cả sẽ được trình bày qua bài viết sau đây. Trước tiên, chúng ta sẽ đi tìm hiểu những kỹ năng giúp bạn nâng cao kỹ năng nhé!
6 điều nên làm để nâng cao kỹ năng làm việc đồng đội
1. Chủ Động Lắng Nghe
Dù chúng ta có giỏi như thế nào thì vẫn có những thiếu sót, kiến thức thì to lớn như “biển đại dương” nên bạn cần tránh phán đoán lệch lạc về người khác, cũng như không vội vàng đưa ra cái nhìn nhận thiển cận.
Vì mỗi người có sơ đồ tư duy, suy nghĩ, kiến thức khác nhau. Vì vậy có thể trong một vấn đề đang tranh luận, không có đúng sai rõ ràng mà chỉ có cách giải thích hợp lý nhất cho tất cả thành viên có mặt. Nên trong một cuộc thảo luận đội nhóm, bạn cần chú ý và rèn luyện kỹ năng lắng nghe cho bản thân.
Tốt nhất với các lĩnh vực bạn không chuyên, thì bạn nên lắng nghe người khác một cách chủ động để học hỏi được nhiều điều. Việc làm này sẽ bổ sung kiến thức bạn bị thiếu, cũng như giúp bản thân tránh mắc lỗi ngớ ngẩn do “vội vàng”. Đặc biệt, chủ động lắng nghe còn giúp các thành viên trong nhóm hiểu hơn để nhau hoàn thiện. Ngoài ra, mọi ý kiến đều có khiếm khuyết nên việc lắng nghe giúp bạn phát hiện ra các bất cập nhằm giúp ý tưởng được hoàn thiện hơn.
2. Trợ Giúp Và Tôn Trọng Ý Kiến Của Người Khác
Sự giúp đỡ và tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm chính là thứ “keo kết dính” tốt trong công việc nhằm giúp cả nhóm hướng tới mục đích chung cuối cùng. Ai cũng cần sự hỗ trợ. Nên việc cần làm là bạn hãy quan sát đồng nghiệp xem họ có đang gặp vấn đề gì để chủ động trợ giúp, chia sẻ.
Ngoài ra, mỗi thành viên trong nhóm nhất định cũng sẽ có những ý kiến cá nhân riêng. Do đó, chúng ta nên tôn trọng ý kiến của người khác. Từ đó đúc kết những kinh nghiệm hay, sáng tạo để giúp công việc của nhóm đạt hiệu quả nhất. Tôn trọng ý kiến cá nhân của nhau là động lực giúp các thành viên trong nhóm phát huy được thế mạnh và góp phần nâng cao thành tích chung cuối cùng.
3. Tự Tin Nêu Lên Quan Điểm Và Ý Kiến Cá Nhân
Sau khi bạn đã cẩn thận lắng nghe ý kiến của mọi người khác, thì bạn hãy so sánh và bổ sung cho quan điểm riêng. Nếu bạn đã chắc chắn về mọi thứ, bạn hãy mạnh dạn đề xuất những ý tưởng mới với nhóm của mình. Sau đó, bạn sẽ thu nhặt những quan điểm và ý kiến của mọi người để tạo ra kết quả cuối cùng.
Việc tự tin nêu lên quan điểm cá nhân sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin và hứng khởi hơn trong công việc. Bạn sẽ cảm nhận được mình là một phần quan trọng trong đội nhóm. Não bạn sẽ tập trung tích cực hơn trong công việc chung.
Nếu là một thủ lĩnh thì bạn thể hiện bản lĩnh và năng lực bằng cách khuyến khích, tạo động lực, điều kiện cho các thành viên trong nhóm phát triển cá nhân ngay trong nhóm của mình. Khi một cá nhân được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển. Thì họ sẽ cố gắng hơn trong công việc và đóng góp nhiều giá trị hơn cho tổ chức.
4. Tổ Chức Công Việc Khoa Học
Ở vai trò trưởng nhóm hoặc quản lý cấp trung, thì bạn phải tổ chức công việc một cách khoa học. Bạn phải chủ động sắp xếp, quản lý công việc và giải quyết các vấn đề phát sinh trong nhóm. Bạn phải đảm bảo sự đồng đều giữa các thành viên với nhau để công việc không bị gián đoạn vì bất kỳ lý do gì.
Việc đầu tiên trước khi đưa ra kế hoạch khoa học cho đội nhóm thực hiện. Chính bạn phải tự sắp xếp lại công việc cá nhân của mình theo cách khoa học nhất. Từ đó dựa vào kinh nghiệm áp dụng do cả nhóm trong công việc chung.
Thêm nữa, bạn cũng nên thường xuyên quan sát và để ý nhằm giúp các thành viên làm việc khoa học, đúng tiến độ. Hãy cân nhắc kỹ năng lực trước khi áp đặt chỉ tiêu về khối lượng và tiến độ công việc. Bạn cũng đừng quên khen thưởng và tuyên dương để nâng cao “sĩ khí” của mọi người. Bên cạnh đó, thường xuyên lấy ý kiến của nhóm về quy trình làm việc mới để chỉnh sửa kịp thời những thiếu sót, cải tiến cho quy trình làm việc tốt hơn.
5. Đặt Tinh Thần Trách Nhiệm Vào Công Việc
Làm việc nhóm quan trọng nhất là tinh thần trách nhiệm. Nếu bạn đã được phân công nhiệm vụ, thì hãy cố gắng hoàn thành công việc cá nhân của mình. Thậm chí mỗi người không chỉ có trách nhiệm với phần công việc được giao mà nên có tinh thần trách nhiệm hỗ trợ với công việc của cả nhóm.
Hãy tập thói quen ghi ra danh sách những việc cần làm mỗi ngày, nghiêm túc thực hiện những việc quan trọng và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của bản thân. Nếu không may nhiệm vụ bạn thực hiện có vấn đề, hãy dũng cảm thừa nhận trách nhiệm.
Đừng bao giờ ỷ lại vào mọi thứ, và nghĩ rằng mình không làm thì đã có người khác làm. Nếu thiếu đi trách nhiệm thì có nghĩa là bạn đang làm ảnh hưởng đến cả tập thể, và đánh mất uy tín cá nhân. Khi đó công sức của những cá nhân làm tốt cũng bị phủ nhận, bởi kết quả cuối cùng mới là thước đo kết quả công việc chứ không phải chỉ một phần công việc “nhỏ nhoi” được hoàn thành.
6. Tạo Sự Đồng Thuận Và Gắn Kết
Làm việc nhóm không tránh khỏi tranh luận, đôi co nhưng trên hết đấy là kiểu “chiến đấu” để phát triển chứ không phải “thắng thua quan trọng nhất”. Thực chất, làm việc nhóm cần nhất chính là tinh thần “đồng lòng” keo sơn trước sau như một. Sự đồng thuận là rất quan trọng để nhóm cùng hướng đến lợi ích chung.
Hãy cố gắng tìm hiểu và “đọc vị” đồng đội của mình, để trong cuộc tranh luận bạn có thể tìm được hướng chung, tránh đi đến mâu thuẫn không đáng có. Từ đó giúp nâng cao hiệu quả của các cuộc thảo luận, nhanh chóng đi đến sự đồng thuận.
Dù biết rằng không phải dễ để tạo sự đồng thuận các thành viên, nhưng nếu bạn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác, biết cách phân tích đúng, sai thì sẽ thuyết phục được đồng đội của mình. Hãy tìm cách gắn kết lại với các thành viên khác trong nhóm nếu không bạn sẽ thấy lẻ loi, và như vậy sẽ giảm rất nhiều năng suất chung. Hãy chủ động sát cánh với mọi người vì chỉ có sự gắn kết mới đem lại một nhóm hoàn hảo nhất. Dần dà nhờ vào năng lượng tích cực thì các thành viên sẽ cởi mở hơn trong việc chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc cũng như cuộc sống.
Xem thêm: Chương trình huấn luyện Phát triển Nhân viên dựa trên tính cách và năng lực cá nhân
4 Điều Cần Tránh Khi Làm Việc Nhóm
1. Hạn Chế Ngồi Lì – Thái Độ Ba Phải
Văn hóa Á Đông thường hay nể nang bởi vai vế, tuổi tác, hoặc “bầy đàn” nên đôi lúc dẫn đến trường hợp ý kiến được thông qua bởi quyền lực, “ba phải”, hoặc chỉ là theo số đông. Tất nhiên kiểu làm việc thế này sẽ không hiệu quả, thậm chí khiến mọi người hiểu lầm nhau, hoặc công việc “chia năm xẻ bảy” không đồng đều. Bên cạnh đó lâu dần sẽ tạo nên “văn hóa chung” khiến mọi người mất dần tư duy phản biện, tư duy sáng tạo của bản thân.
Trường hợp này thường gặp ở các cuộc họp nhóm “truyền thống” và nếu sếp “độc tài” đưa ra ý kiến thì lập tức trở thành khuôn vàng thước ngọc. Các thành viên chỉ việc tỏ ý tán thành mà chẳng bao giờ dám phản đối. Hãy giúp mọi người hiểu rằng có đấu tranh mới phát triển, và nếu tập thể cứ như vậy thì sức mạnh “teamwork” sẽ không còn. Chúng ta cần làm việc với 10 con người tâm huyết khác nhau chứ không cần 10 hình nộm chỉ biết gật gù đồng ý.
2. Đùn đẩy trách nhiệm cho người khác
Cũng chính vì sự thảo luận không “tới nơi tới chốn” hoặc công việc phân công không xác đáng nên ai cũng nghĩ đó là việc của người khác chứ không phải của mình. Khi một người đóng vai im lặng đồng ý, thì trong đầu thường tạo ra cho mình một ý kiến khác đúng đắn và sáng suốt hơn nhưng lại không nói ra.
Để hiểu rõ hơn thì chúng ta xem xét trong ví dụ này: “Ở hoạt động “tổng vệ sinh” công sở cuối năm, mọi người đã họp bàn với nhau mọi thứ nhưng sau một tuần quay lại thì phòng vẫn “y nguyên” với đầy rác, giấy tờ, hồ sơ tung toé khắp nơi. Sau đó, sếp chỉ định đích danh một hoặc hai người chịu trách nhiệm thì công việc lại được hoàn tất nhanh chóng.” Giải thích cho điều này đơn giản là vì chỉ có một hoặc hai người nên họ buộc phải làm chứ không thể đùn đẩy “tới lui” cho ai khác. Nhưng nếu công việc được phân công cho cả nhóm, thì nhóm gặp thất bại sẽ dễ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Nguyên nhân chính vẫn là thái độ “ngồi lì”, và sự thiếu lòng tự tin cũng như tâm lý sợ sai khi phân công việc cho một người cụ thể.
Vì vậy, hãy cố gắng tập thói quen trong bất kì công việc nào, đừng nên đùn đẩy, mà thay vào đó hãy suy nghĩ ra những cách giải quyết thật “dân chủ” và công bằng. Để mọi người hiểu được trách nhiệm của mình, cùng tham gia hoàn thành công việc.
3. Không chú ý đến công việc của nhóm
Ngoài trường hợp “ba phải” a dua thì còn có loại thành viên kiểu “rốn vũ trụ”. Người này luôn luôn cố gắng cho ý kiến của mình là tốt và chẳng bao giờ chịu chấp nhận ý kiến của bất kì ai khác. Điều này dẫn đến tình trạng cãi vã “thiếu nghiêm túc” hoặc nội bộ sâu xé theo kiểu “chia bè kết phái” giữa các nhóm nhỏ-những-người-giỏi với nhau.
Một vài trường hợp khác rơi vào những thành viên làm việc theo kiểu “làm cho có”, không hoàn toàn chú tâm vào mục tiêu chung. Lâu dần sẽ hình thành nên tâm lý “đứng ngoài cuộc” trong những tình huống công việc chung của nhóm.
Và tất nhiên sự thiếu thống nhất dẫn đến hiệu suất làm việc không cao bởi không mấy ai chịu quan tâm đến vấn đề chung mà cứ mãi chuyện riêng với nhau; hoặc thậm chí tệ hơn là chẳng mảy may mà làm việc riêng như bấm điện thoại.
4. Quá Nể Nang Các Mối Quan Hệ
Như đã nói rằng người văn hóa làm việc phương Đông rất khác với phương Tây thực tế. Ở các nước trời Âu thì mỗi người có cái tôi rất cao nhưng lại sẵn sàng cùng nhau hoàn thành công việc cần nhiều người. Còn người Việt trẻ chỉ “chăm bẵm” xây dựng mối quan hệ tốt giữa các thành viên trong đội theo kiểu nể nang, nên những cuộc tranh luận thường được đè nén nhẹ nhàng.
Chính vì sự không phân minh trong công việc nên các cuộc tranh luận thường diễn ra theo kiểu công tư lẫn lộn. Còn tranh luận với sếp được coi như một biểu hiện của không biết kính trên nhường dưới. Thậm chí tranh luận với sếp còn được đánh giá “xấu” về đạo đức, thái độ làm việc. Tóm lại câu “Dĩ hoà vi quý” nên tùy vào tình huống mà áp dụng chứ nếu cứ giữ mãi kiểu làm việc nể nang thì công việc sẽ bị chậm tiến độ và hiệu suất rất thấp.
Chúc các bạn rút ra được những kinh nghiệm và bài học riêng cho bản thân. Để nâng cao hơn kỹ năng làm việc đồng đội, áp dụng vào công việc hiện tại để cùng đồng nghiệp hoàn thành những nhiệm vụ chung một cách xuất sắc. Từ đó nâng cao hơn tình đồng đội và sự gắn kết.
Xem thêm: Khóa học Chuyên viên Xây dựng Hệ thống Lương 3P (trực tuyến)